Tiêu chuẩn chiều cao lan can ban công bao nhiêu là an toàn?
Chiều cao lan can ban công là một trong những yếu tố quan trọng cần cân nhắc trước khi đi đến quyết định thi công. Như Bạn đã biết, có quá nhiều trường hợp thương tâm đã-và-sẽ tiếp tục xảy ra với những sai sót về tiêu chuẩn thiết kế mà chúng ta không lường trước được nếu thiếu sự tư vấn. Vậy chiều cao lan can ban công bao nhiêu là đạt tiêu chuẩn an toàn? Hãy cùng tìm hiểu thông tin bài viết chi tiết sau đây của AnHouse để giải đáp câu hỏi này ngay nhé!
I. Hiểu thêm về tiêu chuẩn, quy chuẩn
Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 đã phân biệt rõ tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Điều khác biệt lớn nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn là:
- Tiêu chuẩn thực chất chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng.
- Còn quy chuẩn được cơ quan Nhà nước ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và các hoạt động kinh tế – xã hội khác.
Như vậy, trong thiết kế thì tiêu chuẩn không có khái niệm “đúng – sai” vì nó là tự nguyện, còn với quy chuẩn thì bắt buộc phải tuân theo pháp luật quy định. Nếu người thiết kế không tuân theo quy chuẩn là vi phạm pháp luật. Và sẽ được xử lý theo luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự hoặc các bộ luật liên quan.
Việc kiểm tra một công trình hay một sản phẩm có đảm bảo quy chuẩn định sẵn hay không là dựa vào các cơ quan có thẩm quyền. Ở đây là thanh tra xây dựng ở Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng, các sở ban ngành liên quan như Ban phòng cháy chữa cháy… sẽ là bên phê duyệt các thiết kế công trình có đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn liên quan hay không.
II. Tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế chiều cao lan can
Về mặt quy định, đã có 2 Quy chuẩn Quốc gia, đó là:
– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về Nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.
– Quy chuẩn xây dựng Việt nam QCXDVN 05:2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng – An toàn sinh mạng và sức khoẻ.
Căn cứ trên 2 quy chuẩn này, ta chia tiêu chuẩn chiều cao lan can ban công thành 2 loại: Nhà ở và công trình công cộng:
1. Định nghĩa về nhà ở
Nhà ở theo định nghĩa trong quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD gồm:
- Nhà ở riêng lẻ
- Nhà chung cư
2. Định nghĩa về công trình công cộng
- Công trình văn hóa: Thư viện, bảo tàng, nhà triển lãm, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nhà biểu diễn, nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, đài phát thanh, đài truyền hình
- Nhà trẻ và trường học: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường phổ thông các cấp, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề, trường đại học và các loại trường khác
- Công trình y tế: Trạm y tế, bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa từ trung ương đến địa phương, các phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa khu vực, nhà hộ sinh, nhà điều dưỡng, nhà nghỉ, nhà dưỡng lão, các cơ quan y tế, phòng chống dịch bệnh
- Công trình thương nghiệp: Chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng ăn, giải khát, trạm dịch vụ công cộng
- Nhà làm việc: Văn phòng, trụ sở
- Khách sạn, nhà khách
- Nhà phục vụ giao thông: Nhà ga, bến xe các loại
- Nhà phục vụ thông tin liên lạc: Nhà bưu điện, bưu cục, nhà lắp đặt thiết bị thông tin, đài lưu không
- Sân vận động
- Nhà thể thao.
3. Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định như sau:
• Tại QCXD 04:2019/BXD, điều 2.2.12: Rào, lan can ban công và logia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4 m. Các vị trí khác tuân thủ QCXDVN 05:2008/BXD.
• Tại QCXDVN 05:2008/BXD:
– Vế thang, chiếu tới, chiếu nghỉ phải có lan can bảo vệ ở các cạnh hở
– Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm;
- Không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
– Chiều cao tối thiểu của lan can được quy định như sau:
- 8 tầng trở xuống: tối thiểu 1100mm
- Từ 9 tầng trở lên: tối thiểu 1400mm
- Sân thượng: 1400mm.
Thêm vào đó là Tiêu chuẩn TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng – Nguyên tắc cơ bản để thiết kế cũng có nhắc đến:
Ở tất cả nơi có tiếp giáp với bên ngoài (như ban công, hành lang ngoài, giếng trời bên trong, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà…) phải bố trí lan can bảo vệ và đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lan can phải làm bằng vật liệu kiên cố, vững chắc, chịu được tải trọng ngang, được tính toán theo quy định trong TCVN 2737;
– Chiều cao lan can không nhỏ hơn 1,1m tính từ mặt sàn hoàn thiện đến phía trên tay vịn;
– Trong khoảng cách 0,1m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở;
– Khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không lớn hơn 0,1m;
III. Tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đủ an toàn?
Về lý thuyết thì số liệu của quy chuẩn là rất an toàn. Vì việc đu bám rồi kéo người vượt qua những chiều cao kể trên là rất khó kể cả đối với người trưởng thành khỏe mạnh. Nguyên tắc chiều cao chống ngã được tính bằng tối thiểu nửa (1/2) chiều cao của người (nguyên lý đòn bẩy). Giả sử chiều cao trung bình người trưởng thành là 1.8m (theo tiêu chuẩn nước ngoài) thì chiều cao cho lan can dành cho người trưởng thành sẽ là 90cm.
Với công trình cao tầng được nâng lên 1,4m tức là đã tăng lên 60% tương đương hệ số an toàn là k:1,6 lần.
Với trẻ em dưới 4 tuổi (chưa có ý thức an toàn) có chiều cao dưới 1,0m thì tay chưa với tới lan can có chiều cao 1,4 m có hệ số an toàn nhỏ nhất k = 2,8 lần Với trẻ em từ 5 – 10 tuổi, tuổi đã có ý thức (sợ ngã) thì 1,4 mét sẽ có hệ số an toàn tính toán tối thiểu là k>2 lần.
- Theo khoản 3 Điều 6 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, một trong các nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật là phải bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan. Như vậy, ngay từ đầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được xây dựng trên tính đóng góp khách quan của nhiều bên liên quan.
- Thêm vào đó, điều 13 và điều 30 của bộ luật trên cũng quy định rõ: tiêu chuẩn và quy chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau: Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; kinh nghiệm thực tiễn; kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Như vậy, việc đưa ra số liệu để xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn là dựa vào tính khoa học, tham chiếu các thông số khoa học chứ không mang tính cảm tính, ước lượng mơ hồ, mang tính an toàn cao.
IV. Vì sao vẫn có những trường hợp chưa đủ an toàn?
Mặc dù đã có những tiêu chuẩn/quy chuẩn cụ thể, những trường hợp đáng tiếc do ban công, cầu thang thiếu an toàn vẫn xảy ra, đặc biệt là đối với trẻ em, nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất, với trẻ em thì điều gì cũng có thể trở nên nguy hiểm được. Để ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc thì sự giám sát của gia đình vẫn là điều cần cần đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, có khả năng chiều cao “thật” của lan can đã bị giảm: Việc dựng lan can lên trên dầm ban công, tường bao vì yêu cầu thẩm mĩ làm giảm chiều cao an toàn “thật” của lan can; lan can được bố trí thêm các thanh ngang do tính thẩm mĩ và để tăng độ ổn định ngang lan can cũng làm giảm chiều cao an toàn “thật” của lan can khi trẻ em gác chân, bám tay vào để trèo lên.
Theo QCXDVN 05:2008/BXD thì lan can không quy định chỉ tính phần sắt, tức là chỉ cần đảm bảo từ nền đến tay vịn là 1,4m là đã đạt rồi.
Thứ ba, sự sắp xếp vật dụng không hợp lý đã vô tình tạo bệ đứng. Giúp trẻ em trèo lên. Cần lưu ý khi sắp xếp các vật dụng tại logia và ban công của gia đình.
V. Lưu ý về thiết kế lan can ban công
Việc thiết kế ban công không đúng cách hoặc do khách quan sẽ làm giảm chiều cao thực của lan can, từ đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em.
1. Gờ tường phía dưới
Gờ tường phía dưới sẽ giúp trẻ bước lên. Từ đó làm giảm chiều cao thực của lan can nếu tính từ vị trí mặt sàn đến tay vịn,
Ngoài ra, thiết kế hoa văn này sẽ giúp trẻ bước lên và trèo ra bên ngoài. Vi phạm nghiêm trọng quy định về thiết kế lan can.
Để khắc phục trường hợp này, Bạn phải tăng chiều cao lan can lên và thay thiết kế lan can để đảm bảo an toàn cho ‘cục bột’ nhà mình.
2. Thanh ngang trên lan can
Thanh ngang được thiết kế để giảm sự đơn điệu và tăng cường độ cứng cáp của lan can. Điều này tương tự như gờ tường đã nêu ở phía trên. Và rõ ràng làm giảm chiều cao thực của lan can xuống rất nhiều,
Thiết kế này được xem là vi phạm Nguyên tắc 1 khi thiết kế chiều cao lan can ban công mà Bạn không nên phạm phải.
3. Không sử dụng kính an toàn
Lan can kính cường lực hiện nay được sử dụng rất phổ biến cho các công trình nhà ở, thậm chí là chung cư. Pháp luật quy định rất rõ tiêu chuẩn kính cho lan can ban công và cầu thang. Việc sử dụng sai kính sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho người sử dụng do kính vỡ:
- Kính cường lực tự vỡ: xác suất kính tự vỡ là khoảng 4%
- Do tác động ngoại lực do trẻ em vô tình ném/ đập vật dụng vào kính
Như vậy, lựa chọn cho lan can kính nên là kính dán an toàn. Nếu chưa biết về loại kính này, Bạn có thể tham khảo kính dán an toàn là gì? Quy cách, giá thành và cách lựa chọn.
4. Đặt vật dụng, bàn ghế gần lan can ban công
Đôi khi, những sắp đặt tưởng chừng như vô hại sẽ mang đến rủi ro cực kỳ lớn,
Việc đặt chậu cây, bàn ghế… sát ban công cũng gián tiếp làm giảm chiều cao thực của lan can. Và có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Như vậy, cần kiểm tra lại cách đặt vật dụng hoặc điều chỉnh thiết kế sao cho hợp lý nhất.
Tổng kết về tiêu chuẩn chiều cao lan can ban công
Như vậy, tiêu chuẩn chiều cao lan can ban công được quy định rất rõ ràng đối với từng vị trí, từng công trình cụ thể. Bạn chỉ cần căn cứ theo là có thể được duyệt bản vẽ,
Ngoài ra, đừng quên tham khảo 5 lưu ý của AnHouse. Và quan trọng là đừng ngại nhờ sự hỗ trợ từ các công ty thiết kế, kiến trúc sư. Hoặc những người có kinh nghiệm nếu muốn có phương án hoàn hảo cho tổ ấm của mình.
Hãy liên hệ ngay với AnHouse nếu bạn muốn giải đáp bất cứ điều gì nhé.